Thứ Sáu, 1 tháng 4, 2016

LỊCH SỬ NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20-11

LỊCH SỬNGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20-11

Lịch sử ra đời ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 gắn liền với lịch sử của tổ chức giáo giới tiến bộ trên thế giới .
Tháng 7 – 1946. Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo dục (Federation Internationale des Syndicats de – Lenseignemant- viết tắt là FISE) được thành lập. Trụ sở đầu tiên của FISE được đặc ở Pari (Pháp). Sau chuyển sang Vienne (Ao) rồi sang Prague (Tiệp Khắc). Từ năm 1977 đến nay tại Berlin (CHLB Đức). Tháng 7 -1953 công đoàn giáo dục Việt Nam gia nhập tổ chức giáo giới này. Hiện nay FISE có trên 100 nước tham gia với 20 triệu đoàn viên.
Năm 1949 tại Hội nghị ở varsovie (Thủ đô Ba  Lan) FISE xây dựng bản Hiến Chương các nhà giáo gồm 15 chương, trong đó có một số nội dung chủ yếu :
+ Đấu tranh chống lại mọi quan điểm và phương pháp giáo dục lạc hậu, phản động, phản dân chủ, phản khoa học của nền giáo dục tư sản phong kiến, nhằm xây dựng nền giáo  dục tiến bộ dân chủ và khoa  học.
+ Đấu tranh thủ tiêu chế độ bạc đãi, coi khinh nghề dạy học, bảo vệ những quyền lợi vật chất và tinh thần chính đáng của các nhà giáo.
+Quy định một số điều đối với các nhà giáo, đặc biệt nêu cao nghề dạy học và những người dạy học.
Tháng 8-1954 tổ chức công đoàn của các nhà giáo tiến bộ và cách mạng trên thế giới. Với nòng cốt là các nhà giáo các nước XHCN đã nhất trí thông qua bản Hiến Chương các nhà giáo.
Từ ngày 26  đến 30-8-1957 tại thủ đô Varsovie (Ba Lan), Hội nghị Quốc Tế các tổ chức của các nhà giáo lần thứ 2 có 57 nước tham gia. Đại diện cho 10,5 triệu giáo viên toàn thế giới, đã quyết định lấy ngày 20-11 hàng năm là ngày” Quốc tế Hiến chương các nhà giáo.”
ĐẾN NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM
Ngày 20-11-1958 lần đầu tiên ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo được tổ chức trên toàn Miền Bắc nước ta. Những năm sau đó còn được tổ chức ở vùng giải phóng nam VN. Đất nước thống nhất, ngày 20-11 được tổ chức rộng rãi  trong cả nước và dần dần trở thành ngày truyền thống của giáo giới Việt Nam.
Hàng năm Bộ Giáo dụcvà Công đoàn ngành giáo dục Việt Nam đều hướng dẫn chỉ đạo tổ chức ngày 20-11. Dưới  sự chỉ đạo trực tiếp của các cấp uỷ Đảng và chính quyền , trường học, học sinh, cha mẹ học sinh và đoàn thể xã hội, ở các địa phương rất quan tâm tổ chức Ngày 20-11 bằng nhiều hoạt động phong phú và bổ ích. Ngày 20-11 hàng năm là ngày biểu dương nghề dạy học và những người làm nghề dạy học củng cố lòng yêu  nghề của các nhà giáo, là dịp để học sinh, phụ huynh và xã hội thể hiện tình cảm biết ơn và tinh thần trách nhiệm đối với nhà giáo. 20-11 còn là ngày biểu dương tinh thần hữu nghị giữa các nhà giáo tiến bộ của các nước trên thế giới.
Do  tính chất và mục đích của tổ chức ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo 20-11, ở nước ta đã có những thay đổi cơ bản, thể theo nguyện vọng của các nhà giáo  và nhân dân, chấp nhận đề nghị của Bộ GD và Công đoàn giáo dục Việt Nam, Hội đồng bộ trưởng đã ra quyết định số 167/HĐBT ngay 28-9-1982 “từ nay hàng năm sẽ lấy ngày 20-11 là ngày nhà giáo Việt Nam “
Lễ mừng ngày nhà giáo Việt Nam lần thứ nhất  được tổ chức trọng thể vào ngày 20-11-1982 tại Hội trường Ba Đình- Hà Nội .
Từ đó đến nay, ngày 20-11 đã trở thành ngày hội tôn vinh nghề dạy học và người dạy học. Điều đó hoàn toàn phù hợp với truyền thống “ Uống nước nhớ nguồn”,” Tôn sư trọng đạo” của dân tộc ta.
          Xứng đáng với truyền thống ấy, nền giáo dục cách mạng từ khi ra đời đã có những cống hiến vô cùng to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc bảo vệ tổ quốc và xây dựng đất nước. Biết bao thế hệ con người Việt Nam đã trưởng thành từ dưới mái trường, trở thành những người con anh hùng của dân tộc, những nhà khoa học xuất sắc, những nhà lãnh đạo tài ba của đất nước. Trong những hoàn cảnh khác nhau của đất nước, khi thịnh, khi suy, lúc mạnh yếu, các nhà giáo luôn là những người nuôi dưỡng, dẫn dắt và phát triển trí tuệ, tâm hồn con người Việt Nam. Mặc cho thế sự bon chen công danh, lợi lộc… các nhà giáo Việt Nam bao giờ cũng chấp nhận sự “an bần lạc đạo”( yên tâm với cái nghèo, vui với công việc trồng người), không màng danh lợi, dốc lòng dạy dỗ trẻ thơ. Biết bao thầy cô đã hy sinh cả tuổi xuân tươi trẻ đến với vùng sâu, vùng xa, vùng núi cao hẻo lánh đem cái chữ đến cho đồng bào, đem ánh sáng văn minh nhân loại soi sáng những nơi còn lạc hậu, tối tăm. Cái cao quý của nghề dạy học chính là ở chỗ nó khai sáng cho con người, giúp cho con người phát triển mà không đòi hỏi sự hàm ân. Niềm vui của người thầy bao giờ cũng là sự tiến bộ, thành đạt của trò.
          Ngày nay, đất nước ta trên con đường hội nhập có bước phát triển cao về mọi mặt đời sống, nhưng cũng còn đó bao thách thức, khó khăn. Những tiêu cực, tham nhũng, sự xuống cấp về đạo đức trong xã hội đã gây trở ngại không ít tới công tác giảng dạy và giáo dục của các thầy cô giáo. Mặt khác, đời sống của giáo viên chưa thật sự được đảm bảo bằng đồng lương nên cũng chưa thu hút được sự toàn tâm toàn ý của thầy cô cho sự nghiệp trồng người. Ở nơi này, nơi khác đã có những thầy cô không làm chủ được mình trước sức cám dỗ của vật chất, có những biểu hiện chưa xứng đáng với phẩm chất của nhà giáo. Song đó chỉ là hiện tượng cá biệt, đại đa số thầy cô giáo của chúng ta vẫn coi trọng nhân cách, phẩm giá của mình, sống trong sạch, giản dị, gương mẫu, là tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Đó chính là niềm tự hào của mỗi chúng ta khi đứng trên bục giảng.
          Trong những năm qua, trường THPT Lê Văn Đẩu đã đạt được những thành tích đáng tự hào. Chất lượng giáo dục 2 mặt tăng cao, Tỷ lệ HS có học lực trung bình trở lên đạt hơn 82%, hạnh kiểm khá tốt chiếm 97%. HS lớp 12 đậu TN THPT hàng năm đều tăng. Hoạt động dạy và giáo dục của thầy, học tập và rèn luyện của trò đã đi vào nề nếp. Các phong trào “xây dựng nhà trường thân thiện, HS tích cực”, “Giúp đỡ HS yếu kém”, “mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”…được đẩy mạnh. Kỷ cương của trường được tôn trọng, mọi thành viên đều có ý thức phấn đấu vươn lên đóng góp cho sự phát triển của nhà trường. Trong sự phát triển ấy đã nổi lên những tấm gương say mê phấn đấu của thầy và trưởng thành vượt bậc của trò. Thương hiệu của trường từng bước được khẳng định.
          Với xu thế phát triển mạnh mẽ của đất nước, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng vào một tương lai tươi sáng của nền giáo dục nước nhà nói chung, trường THPT Lê Văn Đẩu nói riêng, các thầy cô giáo có thể yên tâm mang hết sức lực, trí tuệ và tài năng để cống hiến, vun trồng cho những thế hệ tương lai của đất nước. Vì thế, mỗi người thầy chúng ta trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải luôn xứng đáng là “tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”.
Nhân ngày lễ trang trọng này, cho phép tôi được bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến quý vị lãnh đạo các cấp các ngành, các nhà giáo đã nghỉ hưu, các vị phụ huynh học sinh đã dành sự quan tâm sâu sắc đến sự phát triển của nhà trường và mong rằng trong thời gian tới, nhà trường sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của quý vị. Cuối cùng xin được thay mặt cho toàn thể các thầy cô giáo, các em HS gởi lời chúc sức khoẻ, hạnh phúc và thành đạt tới quí vị đại biểu. Chúc quí thầy cô và toàn thể các em học sinh đạt được nhiều thành công trong giảng dạy và học tập. Chúc buổi lễ thành công tốt đẹp.  Xin cảm ơn!


0 nhận xét:

Đăng nhận xét